Audi A8L 2014 – có gì để cạnh tranh ở Việt Nam?

Tất cả chi tiết gỗ trên A8L đều làm từ cùng một thân cây để tạo sự đồng nhất về màu sắc.

A8L là sedan sang trọng bậc nhất của Audi, như serie 7 của BMW, LS của Lexus hay S-class đến từ Mercedes. Những công nghệ hay xu hướng thiết kế mới nhất của các hãng đều hiện diện trên dòng xe này. Vẫn để bán, nhưng flagship (dòng xe dẫn đầu) còn mang trách nhiệm to lớn là thể hiện cho khách hàng và các đối thủ thấy rằng: Đâu mới là đẳng cấp nhất?

Tuy nhiên, cuộc chơi của những ông lớn thường ít khi đối đầu trực diện. Họ biết cách tìm ra con đường riêng mình và nhắm tới đối tượng khách hàng tiềm năng cụ thể. Lexus LS tập trung hoàn toàn cho người ngồi sau, biến xe thành salon êm ái và thực dụng nhất có thể. Mercedes S-class như biểu tượng của một vị chủ tịch đầy quyền thế với nội thất tinh tế nhất. Serie 7 của BMW dành cho người giàu có, năng động, cá tính và thích cầm lái.

A8-1.jpg

Còn A8L là hiện thân của khách hàng yêu công nghệ, một ông chủ trẻ thích sự sang trọng, trải nghiệm và đôi khi còn muốn cầm lái. Audi cho khách một hàng dài những tùy chọn. Nhưng điểm nổi bật của A8L mà phiên bản nào cũng có và được Audi nhắc tới nhiều nhất là bộ khung nhôm xuất phát từ nhà máy chuyên sản xuất vật liệu dành cho máy bay Alcoa, bang Iowa (Mỹ). Audi A8 là mẫu đầu tiên trên thế giới sử dụng khung nhẹ được gọi dưới tên thương mại mĩ miều ASF (Audi Space Frame).

ASF là thành quả của sự hợp tác giữa Audi và Alcoa, trị giá 700 triệu USD từ những năm 1993, lúc đối thủ vẫn sử dụng hệ khung thép nặng nề. Toàn bộ thân A8L thế hệ mới chỉ nặng 241 kg, đồng nghĩa linh hoạt và cho phép đạt mức tiết kiệm nhiên liệu tốt hơn. Về tổng thể, A8L chỉ nặng 1.830 kg so với con số 2.025 kg của S500L

Cột B của A8L là phát kiến mới trong ASF. Phôi thép nung nóng trên 1.000 độC, sau đó định hình bằng máy ép thủy lực. Dòng nước lạnh chảy qua các ống làm mát bên trong khuôn thép, đưa nhiệt độ về xấp xỉ 200 độC. Quá trình này tạo ra cấu kiện có cấu trúc chịu tác động lên tới 150.000 tấn trên mỗi mét vuông. 

Ở phiên bản mới, A8L trang bị đèn pha dạng LED toàn phần, tích hợp công nghệ chiếu sáng có tên LED ma trận. Hệ thống đèn pha này được mô tả không làm chói mắt xe ngược chiều. Dải LED gồm 25 bóng chia thành 5 nhóm, mỗi nhóm tích hợp 5 đèn với chóa riêng biệt. Không phải ngẫu nhiên mà Audi tập trung nhiều cho nhận diện đèn pha bởi A8 W12 là chiếc xe đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ LED định vị ban ngày.

A8-3.jpg

Về sau, đặc trưng này được áp dụng trên mọi chiếc Audi. "Ý tưởng của chúng tôi là đèn sẽ như thông báo về một chiếc Audi", Stefan Sielaff - giám đốc thiết kế của Audi diễn giải.

Kỳ công cho những thứ bề ngoài, Audi cũng phức tạp không kém cho bố trí nội thất. Nếu Mercedes tìm cách giấu nút điều khiển sao cho thật tinh tế thì Audi lại muốn trình diễn theo hướng ngược lại. Dù có hệ thống MMI thì khoang lái A8L vẫn làm choáng ngợp với hàng loạt nút mà ngồi cả tiếng vẫn chưa khám phá hết. 

Cốp để đồ kèm bệ tì tay bên trong A8L đều sử dụng bản lề với chất liệu nhôm nguyên khối (trong khi đa số đối thủ sử dụng bản lề bằng nhựa) nhằm triệt tiêu tối đa âm thanh lạch cạch khó chịu khi đóng/mở. 

Toàn bộ ghế trên xe đều tích hợp chức năng massage, chỉnh điện đa hướng chứ không chỉ riêng hàng ghế sau. Vị trí ngồi VIP có bàn đỡ chân phía trước, tủ lạnh, màn hình gối, bộ điều khiển ngay bên bệ tì tay. Ở A8L, mọi viền nút bấm đều mạ crôm hoặc làm bằng vật liệu kim loại tạo cảm giác sang trọng nhưng trẻ trung và hiện đại. Giữa các khe nút bấm, sai số cho phép chỉ là 0,1 mm.

Hệ thống giải trí đồng bộ hóa trọn vẹn qua giao thức MMI. Bàn di cảm ứng MMI có thể kết nối nhanh đến hệ thống radio và điều chỉnh âm thanh. Các thiết bị như đầu DVD, khe đọc thẻ nhớ, ổ cứng lưu trữ với dung lượng 60GB tích hợp dữ liệu dẫn đường...

Hệ thống loa Bose âm thanh vòm bao gồm ampli kỹ thuật số công suất 600 W, 14 loa (tích hợp loa siêu trầm), tái lập âm thanh stereo thành âm thanh vòm 5 kênh. Ngoài ra, khách hàng có thể tùy chọn gói âm thanh cao cấp của thương hiệu loa Bang&Olufsen với tổng công suất hơn 1.400 W. Hệ thống giải trí cho hàng ghế phía sau với hai màn hình 10,2 inch có thể điều chỉnh đa hướng và hiển thị riêng biệt. Đầu DVD riêng, hai khe thẻ nhớ SD và giắc cắm AMI (Audi Music Interface) kể kết nối các thiết bị di động…

A8L phân phối tại Việt Nam với hai phiên bản động cơ V8 4.0L TFSI cho công suất 435 mã lực, mô-men xoắn cực đại 600 Nm tại ngưỡng vòng tua từ 1.500 đến 5.000 vòng/ phút. Với động cơ này, A8L có thể tăng tốc từ 0-100 km/h trong 4,6 giây. Để tối ưu hóa mức nhiên liệu tiêu thụ, hệ thống ngắt xi-lanh COD đóng vai trò quan trọng.

A8-2.jpg

Khi A8L hoạt động với tốc độ thấp (di chuyển chậm trong thành phố), hệ thống máy tính sẽ cho ngừng bốn xi-lanh bằng cách dừng phun nhiên liệu và ngắt bớt hệ thống đánh lửa. Phiên bản động cơ này sử dụng bộ tăng áp kép thế hệ mới nhất cho phép cung cấp mô-men xoắn lớn hơn ở ngưỡng tua máy thấp hơn.

Một cánh quạt turbo nhỏ hoạt động ở vòng tua máy thấp, nhằm duy trì mô-men xoắn luôn sẵn sàng để xe đạt tốc độ cao, khi mà cánh quạt turbo lớn hoạt động. Ngoài ra, để kiểm soát tiếng ồn phát ra từ bộ tăng áp kép cũng như độ rung khi động cơ hoạt động, Audi phát triển riêng hệ thống trung hòa tiếng ồn chủ động (ANC). Cơ chế hoạt động của ANC là phát ra âm thanh đối pha vào với khoang lái, đồng thời kích hoạt hệ thống chân máy chống rung khi xe đang hoạt động với 4 xi-lanh.

Phiên bản động cơ V6 3.0 TFSI cho công suất 310 mã lực, mô-men xoắn cực đại 440 Nm tại ngưỡng vòng tua 2.900-4.750 vòng/ phút. Khối động cơ 3 lít tích hợp bộ tăng áp siêu nạp bố trí giữa các dãy xi-lanh hình chữ V giúp A8L đạt giới hạn tốc độ điện tử 250 km/h.

Hệ dẫn động bốn bánh toàn thời gian quattro là tiêu chuẩn trên hai phiên bản A8L tại Việt Nam. Quattro với cơ chế khóa vi sai tự động, phân bổ lực kéo hoàn toàn bằng cơ học với phân bổ 60% mô-men xoắn ở trục sau, 40% ở trục trước. Khi mặt đường xấu, hoặc có sự thay đổi về độ bám, vi sai trung tâm sẽ dồn mô-men xoắn thông qua mỗi bộ vi sai ở mỗi trục với tỉ lệ trội hơn nhằm giúp chiếc xe có độ ổn định và bám đường tối ưu nhất.

Ưu điểm là xe tự động điều chỉnh, ngăn cho các bánh không bị trượt mà không cần dùng đến số liệu (tốc độ quay của các bánh) như một số hệ dẫn động 4 bánh điện tử khác. Quattro của Audi tác động đón đầu (Pro-active), ngăn cho các bánh không bị trượt. Còn các loại sử dụng vi sai trung tâm điện tử là loại thụ động (re-active), tức là chỉ tiến hành phân bổ mô-men xoắn khi đã có hiện tượng trượt (do các cảm biến điện tử báo về).

Do đó, quattro có lợi thế khi tăng tốc đột ngột, vào cua ổn định và giữ vững được độ cân bằng do tác động sớm. Nhiều người ví von, quattro của Audi hoạt động như một chiếc đồng hồ thuần cơ học, còn hệ dẫn động bốn bánh điện tử khác là những chiếc "máy tính".

Hiện Audi A8L phân phối tại Việt Nam với mức giá 4,4 tỷ đồng cho phiên bản động cơ 3.0. Phiên bản động cơ 4.0 có giá 4,8 tỷ đồng. Mức giá này cho thấy rõ Audi đang muốn tập trung vào phiên bản cao cấp. So với S400 của Mercedes thì A8L 3.0 đắt hơn tới gần 1 tỷ trong khi bản A8L 4.0 lại chỉ cao hơn 100 triệu so với S500L. Audi cho biết phần lớn khách đặt mua là bản cao cấp 4.0 và 20 đơn hàng kế hoạch cho năm 2014 đã hết.

Quang Anh

Theo: www.vnexpress.net



Other same item(s):

Chiêu sửa xe thông minh nhất

Kawasaki Vulcan 2000 hàng hiếm ở Việt Nam

Nạn 'vặt' gương ôtô ở Việt Nam

Ảnh đầu tiên về BMW X2

Hyundai SUV nhỏ hơn Tucson sắp ra đời

Piaggio MP3 300 2015 - thể thao và tiện nghi hơn

Ducati Monster 795 độc của người Hải Phòng

Thoát chết nhờ nhanh chân chui gầm tàu